Quyền của chủ thể dữ liệu trong hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân In trang
09/05/2023 08:42 SA

Ngày 17/04/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP bảo vệ dữ liệu cá nhân trong đó quy định về quyền của chủ thể dữ liệu trong hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Quyền của chủ thể dữ liệu trong hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân

Theo đó, quyền của chủ thể dữ liệu trong hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm:

- Thứ nhất, quyền được biết:

Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Thứ hai, quyền đồng ý:

Chủ thể dữ liệu được đồng ý hoặc không đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 17 Nghị định 13/2023/NĐ-CP .

- Thứ ba, quyền truy cập:

Chủ thể dữ liệu được truy cập để xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Thứ tư, quyền rút lại sự đồng ý:

Chủ thể dữ liệu được quyền rút lại sự đồng ý của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Thứ năm, quyền xóa dữ liệu:

Chủ thể dữ liệu được xóa hoặc yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Thứ sáu, quyền hạn chế xử lý dữ liệu:

+ Chủ thể dữ liệu được yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

+ Việc hạn chế xử lý dữ liệu được thực hiện trong 72 giờ sau khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu, với toàn bộ dữ liệu cá nhân mà chủ thể dữ liệu yêu cầu hạn chế, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Thứ bảy, quyền cung cấp dữ liệu:

Chủ thể dữ liệu được yêu cầu Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân cung cấp cho bản thân dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Thứ tám, quyền phản đối xử lý dữ liệu:

+ Chủ thể dữ liệu được phản đối Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân xử lý dữ liệu cá nhân của mình nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế tiết lộ dữ liệu cá nhân hoặc sử dụng cho mục đích quảng cáo, tiếp thị, trừ trường hợp luật có quy định khác.

+ Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện yêu cầu của chủ thể dữ liệu trong 72 giờ sau khi nhận được yêu cầu, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Thứ chín, quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện:

Chủ thể dữ liệu có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

- Tiếp theo, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại:

Chủ thể dữ liệu có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi xảy ra vi phạm quy định về bảo dữ liệu cá nhân của mình, trừ  trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

- Cuối cùng, quyền tự bảo vệ:

Chủ thể dữ liệu có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan và Nghị định 13/2023/NĐ-CP, hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các phương thức bảo vệ quyền dân sự theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015.

Nghị định 13/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2023.

Lượt xem: 402
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005661749
  •  Đang online: 135
  •  Trong tuần: 26.651
  •  Trong tháng: 193.433
  •  Trong năm: 785.320