Lãnh đạo Lâm Đồng “Bắc tiến” học kinh nghiệm đầu tư đường cao tốc  In trang
28/12/2020 10:04 SA

          Lãnh đạo hai tỉnh Lâm Đồng và Cao Bằng vừa có gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm làm đường cao tốc theo hình thức PPP...

Đồng chí: Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí: Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng phát biểu tại buổi làm việc

*Chỉ bàn tiến không bàn lùi

         Đoàn công tác đặc biệt của tỉnh Lâm Đồng gồm Bí thư, Chủ tịch tỉnh và giám đốc các sở, ngành vừa có buổi gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng về kinh nghiệm của địa phương trong việc triển khai đầu tư đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư (PPP).

        Ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, dù có nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng bao năm qua, Lâm Đồng vẫn không có sự bứt phá. Nguyên nhân chính xuất phát từ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông. Đặc biệt là tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng dù đã được nghiên cứu từ 17 năm trước, trải qua 3 nhiệm kỳ nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.

        “Đây là tuyến cao tốc quy mô lớn, tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 68 nghìn tỷ đồng, nếu trông chờ ngân sách sẽ rất khó khăn. Chúng tôi xác định, muốn phát triển KT-XH, buộc phải có đường cao tốc. Từ thành công bước đầu của Cao Bằng trong việc triển cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức PPP, thúc giục chúng tôi phải có suy nghĩ đột phá để đưa Lâm Đồng phát triển. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo Cao Bằng chia sẻ bước đi, cách thức thực hiện trong quá trình xúc tiến đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh”, ông Quận nói.

         Trước sự cầu thị của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cũng thẳng thắn: “Cao Bằng dù có nhiều lợi thế, là nơi cội nguồn cách mạng, giữ vị trí chiến lược quan trọng nhưng điều kiện phát triển kinh tế rất khó khăn. Diện tích hơn 6.700km2, nhưng chỉ có 10% là đất nông nghiệp, còn lại là đồi núi, sông suối. Cao Bằng cũng là địa phương duy nhất trong cả nước có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 95% dân số".

        “Địa hình bị chia cắt, mạng lưới giao thông liên kết với Cao Bằng chỉ có hai tuyến QL3 và QL4A. Đây là điểm nghẽn lớn nhất mà Cao Bằng phải tập trung tháo gỡ để phát triển KT-XH”, ông Môn nói và cho biết, việc đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã trở thành khát vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Cao Bằng.

        Để triển khai các công việc, Ban Chỉ đạo dự án thành lập 7 tổ giúp việc. Định kỳ 3 tháng Ban Chỉ đạo sẽ họp một lần, trong khi đó các tổ giúp việc họp 1 tháng/lần. “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong các cuộc họp được Ban Chỉ đạo đưa ra ngay từ đầu là chỉ bàn tiến, không bàn lùi, ai không làm được thì ngồi sang một bên”, ông Môn nói.

Đồng chí: Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chia sẻ kinh nghiệm của Cao Bằng trong việc triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Đồng chí: Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chia sẻ kinh nghiệm của Cao Bằng trong việc triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

*Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là ước mơ của nhân dân Lâm Đồng

        Ông Môn cho biết thêm, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo quy hoạch dài 144km, tổng mức đầu tư khoảng 47 nghìn tỷ đồng. Để đảm bảo tính khả thi, ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ, tỉnh Cao Bằng và nhà đầu tư đề xuất dự án đã tiến hành việc nghiên cứu tối ưu hướng tuyến, rút ngắn chiều dài xuống còn 115km, kết hợp phân kỳ đầu tư và áp dụng các công trình hầm xuyên núi, cầu cạn vượt địa hình. Kết quả, tổng mức đầu tư dự án giảm xuống còn khoảng 20.939 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 khoảng 12.546 tỷ đồng.

         Dự án được đề xuất áp dụng theo hình thức đối tác công tư (PPP), cơ cấu nguồn vốn cũng được xác định, gồm: Vốn Nhà nước tham gia dự án 5.000 tỷ đồng (ngân sách Trung ương: 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương: 2.500 tỷ đồng) và vốn chủ sở hữu, vốn vay thương mại 7.546 tỷ đồng.

       “Để thuyết phục các bộ, ngành, chúng tôi cam kết với nguồn vốn góp của Nhà nước, Trung ương bỏ bao nhiêu, tỉnh nghèo như Cao Bằng sẽ bỏ bấy nhiêu. Ngoài nguồn tiết kiệm chi ngân sách, tiền từ đấu giá quỹ đất, chúng tôi sẵn sàng kêu gọi, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân đóng góp để dồn nguồn lực đầu tư tuyến đường này. Bởi cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là khát vọng bao đời nay của người dân tỉnh Cao Bằng. Muốn thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, Cao Bằng phải làm bằng được tuyến cao tốc này”, ông Môn chia sẻ.

         “Kiên trì suốt 2 năm, có những lúc nản lòng, có thời điểm tưởng chừng thất bại phải dừng lại, nhưng với tinh thần chỉ có tiến công, đeo bám đến cùng đến khi ra sản phẩm và sự hỗ trợ của nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, đến tháng 8/2020, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Đồng thời, dự án cũng được ghi vốn trung hạn để tiến hành triển khai các bước tiếp theo”, ông Môn chia sẻ.

        Từ thành công của Cao Bằng, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, về mặt pháp lý, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có điều kiện thuận lợi hơn cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khi đã nằm trong quy hoạch thực hiện trước năm 2020. “Khó khăn như cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nhưng Cao Bằng vẫn thực hiện được. Đó là kinh nghiệm, động lực để Lâm Đồng quyết tâm triển khai tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Lương ”, ông Hiệp nói.

       Trong khi đó, ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng nói: “Chúng tôi sẽ thể hiện quyết tâm cao nhất để thực hiện cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, bởi đây là ước mơ bao đời nay của nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Chỉ có đường cao tốc mới giúp Lâm Đồng bứt phá phát triển KT-XH”.

(theo Đình Quang, Báo giao thông "Viết Liễu tổng hợp")

Lượt xem: 2.189
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005448620
  •  Đang online: 64
  •  Trong tuần: 28.061
  •  Trong tháng: 205.938
  •  Trong năm: 572.191