10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2020 do TTXVN bình chọn In trang
28/12/2020 10:42 SA

1. Tổ chức thành công đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương; hoàn tất các văn kiện, nhất trí nhân sự trình Đại hội XIII của Đảng

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, sáng 14/12/2020. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, sáng 14/12/2020. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

          Thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, toàn bộ 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, sớm hơn so với ba nhiệm kỳ gần đây, bảo đảm đúng quy định, chất lượng trong bối cảnh có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão, lũ... Sau ba Hội nghị Trung ương tổ chức trong năm, Ban Chấp hành Trung ương đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của toàn Đảng, toàn dân để hoàn tất các văn kiện và nhất trí cao nhân sự trình Đại hội XIII của Đảng.

          Các tổ chức Đảng đã phát huy dân chủ, trí tuệ, làm sáng tỏ thời cơ cũng như thách thức để đề ra phương hướng, nhiệm vụ, các đột phá chiến lược, giải pháp phù hợp, có tính khả thi cao trong 5 năm tới. Số lượng ủy viên ban chấp hành giảm theo quy định nhưng vẫn đảm bảo cơ cấu và chất lượng.

2. Việt Nam là điểm sáng của thế giới trong kiểm soát đại dịch COVID-19

Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm của người nước ngoài. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm của người nước ngoài. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

          Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 (tính đến sáng 25/12 đã có 1.433 ca mắc, đã chữa khỏi 1.281 ca trong bối cảnh thế giới ghi nhận khoảng 80 triệu ca mắc và trên 1,7 triệu ca tử vong). Ngay từ khi dịch xâm nhập vào Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã xác định “chống dịch như chống giặc” và kiên định thực hiện phương châm “ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị hiệu quả” nhằm “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân”. Kết quả kiểm soát dịch của nước ta được thế giới ghi nhận như một điểm sáng.

          Bên cạnh những dấu ấn trong công tác điều trị, Việt Nam cũng đã thành công trong phân lập virus SARS-CoV-2 từ tháng 2 và bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người vào cuối tháng 12.

3. Ngoại giao đa phương Việt Nam có nhiều dấu ấn quan trọng

Tổ chức thành công các sự kiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay, Việt Nam một lần nữa khẳng định vị thế, vai trò tiên phong, chủ động và đầy trách nhiệm của nước Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020. Ảnh: TTXVN
Tổ chức thành công các sự kiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay, Việt Nam một lần nữa khẳng định vị thế, vai trò tiên phong, chủ động và đầy trách nhiệm của nước Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020. Ảnh: TTXVN

          Việt Nam đảm nhận thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 41) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021, chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương.

          Với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã tổ chức thành công bằng hình thức trực tuyến, bán trực tuyến Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và 37 cùng các Hội nghị cấp cao liên quan; đề xuất 13 sáng kiến, nỗ lực hợp tác kiểm soát dịch COVID-19; triển khai Kế hoạch phục hồi tổng thể… Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 đã thông qua hơn 80 văn kiện, số lượng cao nhất trong các kỳ họp ASEAN, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RCEP).

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020, phát biểu bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020, phát biểu bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

          Trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã có các sáng kiến: tổ chức phiên thảo luận mở đầu tiên về hợp tác giữa LHQ - ASEAN “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”; xác lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm.

4. GDP tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng

Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty Cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (Mỹ Hào, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty Cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (Mỹ Hào, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

          Năm 2020, kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP) từ 2-3%. Kinh tế Việt Nam cũng ghi nhận những điểm sáng như: xuất siêu đạt mức kỷ lục hơn 20 tỷ USD; thu hút 2.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt gần 15 tỷ USD. Khoảng 180 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 0,9% so với năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2011-2020, đạt hơn 90%... Đây là thành quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế trong thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế” và của việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, trong đó nổi bật là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8.

5. Mưa bão, ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng ở miền Trung, làm 249 người chết, mất tích

Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ và phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ và phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

          Trong tháng 10 - 11/2020, 7 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào khu vực miền Trung gây ra mưa lớn chưa từng có về cường độ và thời gian, gây ngập lụt trên diện rộng, làm 249 người chết, mất tích; khoảng 50.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; hơn 4,5 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 149.000 ha rừng bị ảnh hưởng; nhiều cơ sở hạ tầng và công trình dân sinh bị hư hỏng.

          Đặc biệt, lũ dữ, sạt lở kinh hoàng tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế); Nam Trà My và Phước Sơn (Quảng Nam), Hướng Hóa (Quảng Trị) khiến nhiều người chết, mất tích, gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương này.

6. Tiếp tục xử lý, kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao có sai phạm

Sáng 23/4/2020, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án Tổng công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Sáng 23/4/2020, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án Tổng công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

           Năm 2020, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý (trong đó có 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 5 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng) do có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

          Một số vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý như các vụ liên quan tới Công ty Hải Thành - Quân chủng Hải Quân, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, BIDV, Sacombank, Công ty Gang thép Thái Nguyên, các vụ vi phạm về quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án được nâng lên rõ rệt.

7. Bước đột phá trong chương trình chuyển đổi số quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ngành thực hiện nghi thức “Ra mắt mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ngành thực hiện nghi thức “Ra mắt mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”. Ảnh: TTXVN

          “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Chương trình hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.  Chính phủ xác định chuyển đổi số bằng những nền tảng công nghệ Việt “Make in Vietnam” để Việt Nam có thể dùng công nghệ, đi tắt, đón đầu, phát triển đột phá và trở thành quốc gia công nghệ hùng cường trong 5 năm tới.

          Hiện thực hóa mục tiêu phát triển Chính phủ số, trong năm 2020, Cổng Dịch vụ Công quốc gia đã tích hợp và cung cấp hơn 2.650 dịch vụ công trực tuyến, trên 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền.

8. Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một khung chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa

Những bộ sách giáo khoa khác nhau theo cùng một khung chương trình giáo dục phổ thông thống nhất
Những bộ sách giáo khoa khác nhau theo cùng một khung chương trình giáo dục phổ thông thống nhất

          Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 năm học 2020-2021, Việt Nam, lần đầu tiên, có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau theo cùng một khung chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK và xóa bỏ sự độc quyền trong công tác xuất bản, phát hành SGK.

          Tuy nhiên, vấn đề giá SGK cao, việc sử dụng, lựa chọn ngữ liệu trong một số cuốn sách mới chưa phù hợp đã gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu và điều chỉnh một số nội dung.

9. Kỳ tích ghép bàn tay từ người hiến sống đầu tiên trên thế giới

Trung tướng, GS,TS, Thầy thuốc nhân dân Mai Hồng Bàng, Giám đốc bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kiểm tra chức năng vận động của bệnh nhân sau ca ghép
Trung tướng, GS,TS, Thầy thuốc nhân dân Mai Hồng Bàng, Giám đốc bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kiểm tra chức năng vận động của bệnh nhân sau ca ghép

          Ngày 24/2/2020, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 công bố thực hiện thành công ca ghép bàn tay từ người hiến sống. Đây là ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, cũng là ca ghép đầu tiên trên thế giới được nhận chi hiến từ người cho sống.

          Trong năm qua, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công ca tách dính hai bé song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi, giúp hai bé có thể độc lập đi trên đôi chân của mình.

10. Công viên Đăk Nông gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO

Núi lửa Nâm Gle, xã Thuận An, huyện Đắk Mil nằm trong Công viên địa chất Đắk Nông
Núi lửa Nâm Gle, xã Thuận An, huyện Đắk Mil nằm trong Công viên địa chất Đắk Nông

          Ngày 7/7/2020, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận công viên địa chất Đắk Nông là Công viên Địa chất toàn cầu. Với khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m, các miệng núi lửa, thác nước…, Công viên địa chất Đắk Nông là nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, cùng với nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.

          Trước đó, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và Non nước Cao Bằng (Cao Bằng) đã được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu.

(Theo TTXVN/Báo Tin tức, Viết Liễu tổng hợp)

Lượt xem: 3.724
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005606876
  •  Đang online: 254
  •  Trong tuần: 50.379
  •  Trong tháng: 138.560
  •  Trong năm: 730.447